CHIA SẺ

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

CÂY CAO SU VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Mủ Cao Su là một trong những nguồn thu lớn, ổn định cho bà con nông dân hằng năm. Bên cạnh đó, Gỗ Cao Su còn có nhiều tác dụng, nhằm góp phần cải thiện đời sống cho bà con nông dân.


Những điều cần biết về Cây Cao Su

Cao Su là Cây Công Nghiệp dài ngày và là loài cây chủ lực của ngành trồng trọt. Tính từ lúc mới trồng và sau thời gian chăm sóc từ khoảng 5 đến 7 năm tùy vào điều kiện chăm sóc, Cao Su sẽ cho thu hoạch mủ và thu hoạch liên tục trong nhiều năm liền. Càng những cây già thì càng cho nhiều nhựa, mủ hơn. Cây sẽ ngừng cung cấp mủ, nhựa trong độ tuổi từ 26 – 30 năm.

Thu hoạch Mủ Cao Su đúng kỹ thuật

Cây Cao Su cho phép người trồng thu hoạch liên tục. Song song với đó là sự đầu tư chăm sóc cho cây như: tưới tiêu nước, phân bón, làm cỏ. Do thời gian thu hoạch mủ kéo dài, liên tục từ 8-10 tháng/ năm và trong nhiều năm nên việc thu hoạch mủ đúng kỹ thuật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo năng suất cao và bền vững trong nhiều năm. Nhờ việc thu hoạch đúng kỹ thuật mà Cây Cao Su sẽ được hạn chế tối đa nhất những tổn thương trên cây. Đồng thời sẽ kéo dài tối đa tuổi thọ cho cây.

Bên cạnh đó, thu hoạch mủ đúng kỹ thuật cũng mang lại năng suất và chất lượng cho mủ. Nhờ vậy, giá thành cũng tăng lên, đem đến lợi nhuận cho bà con nông dân. Chính vì thế, vì lợi ích lâu dài, bà con nên bỏ thời gian để chăm sóc và thu hoạch đúng kỹ thuật.

Tiêu chuẩn của Cây Cao Su đến thời điểm thu hoạch

Ngoài những tiêu chí về thời gian chăm sóc, Cao Su được cho là đủ tiêu chuẩn mở cạo là khi bề vòng thân cây đạt từ 50 cm trở lên, đo cách mặt đất 1 m, độ dày của vỏ từ trên 6mm. Cần tránh việc cạo cây quá nhỏ (dưới 40 cm) vì khi bắt đầu mở cạo, sinh trưởng của cây bị chậm lại, cây chậm lớn để cho năng suất lâu dài về sau.


Tiêu chuẩn của Cây Cao Su đến thời điểm thu hoạch

Vì áp lực kinh tế, nhiều hộ gia đình đã rút ngắn thời gian thu hoạch mủ. Điều này quả thật không đảm bảo. Bởi không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng mủ mà còn gián tiếp làm hại đến Cây Cao Su.

Ngoài ra, tùy từng vùng đất, bà con cũng có thể tự rút ra kinh nghiệm cho mình để có thời gian thu hoạch phù hợp. Nhưng tốt nhất, không nên rút ngắn thời gian thu hoạch của cây quá nhiều.

Thời điểm thu hoạch mủ cao su tốt nhất và  vệ sinh cho cây

Thời gian thu hoạch Mủ Cao Su liên tục trong năm. Đối với những cây mới chỉ bắt đầu cạo vào các tháng 3 – 4 (trước mùa mưa) và cuối tháng 10 (sau mùa mưa). Đối với các vườn cây đã khai thác cho nghỉ cạo lúc Cây Cao Su ra lá mới, (thường vào tháng 1 hay tháng 2). Cây được cạo lại khi đã có tầng lá đã ổn định (vào tháng 3 – 4). Chi bắt đầu cạo khi thấy rõ đường cạo. Vào mùa mưa không nên cạo khi vỏ cây bị ướt. Phải chờ đến khi ráo nước mới cạo.


Thời điểm thu hoạch Mủ Cao Su tốt nhất và vệ sinh cho cây

Ngày nay, để kích thích cho Cây Cao Su cho mủ nhiều hơn người dân thường bôi thêm chất “ Kích thích” vào phần thân cây vừa bị cạo. Để đảm bảo cho Cây Cao Su luôn khỏe mạnh thì cần phải thường xuyên làm vệ sinh cho cây cạo, vệ sinh dụng cụ, sửa lại miệng cạo, bôi thuốc mỡ cho các vết cạo phạm, bôi phòng bệnh mặt cạo vào mùa mưa và tuyệt đối không đốt lá khô trong Vườn Cao Su.

Ngoài ra, Gỗ Cây Cao Su là nguồn nguyên liệu quý giá cho ngành công nghiệp gỗ. Cây Cao Su sau khi đã già cỗi hoặc hết khả năng cho mủ thì được khai thác lấy gỗ. Gỗ Cao Su có thớ dày, ít co, màu sắc khá đẹp vì thế nó được đánh giá cao và “ Thân thiện môi trường”.

Như vậy khác với những cây trồng khác, Cây Cao Su với việc đầu tư giống chỉ một lần nhưng được thu hoạch năng suất rất nhiều lần trong năm và thời gian thu hoạch kéo dài từ 20-25 năm. Cây Cao Su sẽ là nguồn thu lớn và bền vững cho người nông dân.

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

NGUỒN GỐC CỦA CÂY CAO SU

Dù đã nghe nhiều về Cây Cao Su nhưng mấy ai tìm hiểu hết nguồn gốc của nó. Cao Su được tìm thấy một cách rất đặc biệt. Và đây cũng là một trong những loại cây giúp ích khá nhiều cho mọi người.


Cây Giống Cao Su

Cây Cao Su có tên khoa học là Havea Brasiliensis. Cao Su xuất xứ từ cây rừng hoang dại nhiệt đới, có lá kép, mọc thành chùm tụ tán, cây cao trên 30m. Cây thuộc họ thân gỗ, tán lá rộng có nguồn gốc từ Châu Mỹ La tinh.

Vào năm 1743, trong chuyến du khảo đến những kinh vĩ tuyến ở Guyanes, hai hải quân người Pháp là Fresnau F. và De la Condamine C đã thấy một loài cây rất kỳ lạ, sống tại Miền Nam sông Amazone. Họ bắt gặp được thổ dân người Maina ở đây thường dùng thứ mủ trắng, có độ mềm dẻo và đàn hồi rất cao. Loại mủ này được lấy từ thân của chính cây đó để làm nhựa bẫy chim và nắn thành những vật dụng dùng hàng ngày như chén, chậu, đồ chơi, tượng thần để thờ cúng…

Hai ông Fresnau F. và De la Condamine C lần đầu tiên thấy loài cây lạ và những giá trị thiết thực của nó đem lại cho thổ dân. Vì vậy đã vẽ hình cây này với đầy đủ chi tiết về hoa, lá, quả, hạt… và gửi về Pháp để giới thiệu với Viện hàn lâm khoa học. Đấy là những hình ảnh và kiến thức đầu tiên về Cây Cao Su.


Phương pháp Cây Cao Su Lưu Hóa

Nhờ những thông tin hữu ích của hai người lính hải quan này mà Cây Cao Su được mang trồng thí nghiệm ở nhiều nơi khác nhau. Trong đó có các vùng thuộc địa da đen, da vàng. Lúc này những người da trắng đã biết làm ra những chiếc áo không thấm nước từ Mủ Cây Cao Su.

Cây Cao Su chỉ thực sự được chú ý nhiều hơn vào năm 1846. Khi Charles Goodyear và Thomas Hancook tìm ra phương pháp Cao Su Lưu Hóa. Phát minh này đã đưa Mủ Cao Su vào phục vụ chính thức cho nhu cầu không thể thiếu của con người. Bắt đầu từ áo, quần, giầy, dép … Cho đến giữa thế kỷ XIX, Cao Su cất cánh với chiếc xe đạp và chiếc ô tô.

Từ đó, nhận thấy được những lợi ích kinh tế vô cùng lớn của Cây Cao Su, nhiều nước tư bản như Anh, Pháp, Mỹ…đã nhân rộng mô hình trồng Cây Cao Su tại các nước thuộc địa nhằm khai thác triệt để nguồn tài nguyên đất, khí hậu, con người.


Nguồn gốc của Cây Cao Su

Việt Nam là một trong những nước thuộc địa của Pháp. Do vậy, không tránh khỏi việc nhiều người dân Việt nam đã phải tham gia làm việc vất vả trong những Trang Trại Cao Su của Pháp. Cho nên, người dân Việt Nam thời bấy giờ thường tuyên truyền câu nói: “Cao Su đi dễ khó về. Khi đi trai tráng khi về bủng beo” là vậy.

Trong gần một thế kỷ, hình ảnh loài cây lá kép này trở thành mối thảm họa, gắn liền với kiếp sống lầm than nô lệ của người dân mất nước. Danh từ Cao Su có xuất xứ từ thổ âm xứ Peru là caa = cây và ochu = chảy ra, khóc. Cao Su là tên một loài cây chảy nước mắt, cây biết khóc.

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

KỸ THUẬT TRỒNG CÂY CAO SU

Cây Cao Su không kén đất, có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như đất cát pha, đất mịn, đất bazan…Tuy nhiên khi trồng Cây Cao Su phải lưu ý đến kỹ thuật trồng, để giúp cây phát triển tốt nhất.

Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách trồng Cây Cao Su. Qui trình này áp dụng cho tất cả các vùng trồng Cao Su tại Việt Nam có độ cao thấp hơn 700m so với mức nước biển.

1. Chuẩn bị đất trồng

Chuẩn bị dọn đất trước thời vụ trồng mới từ 1-2 tháng. Nếu đất đồi dốc trên 8 độ thì thiết kế hàng trồng theo đường đồng mức.

Đào hố với kích thước 60x60cm. Mỗi hố bón lót 10kg phân chuồng + 0,2kg phân lân + 0,3kg vôi. Phân và vôi được trộn với lớp đất mặt trước khi lấp xuống hố. Đảo phân và lấp hố phải hoàn thành trước khi trồng 20-30 ngày.

Mật độ trồng thường là 500-550 cây /ha (sau khi đốn tỉa, loại bớt, còn 450 cây), bố trí theo khoảng cách: 6x3m (555 cây/ha); 6×3,5m (476 cây/ha).

Thời vụ trồng: Vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên trồng từ tháng 6-8; duyên hải Miền Trung trồng từ tháng 9-10.


Chuẩn bị đất trồng Cây Cao Su

2. Cách trồng

Trồng cây bầu:

Lấy cuốc móc đất lấp trong hố lên, có độ sâu bằng chiều cao bầu cây con. Dùng dao bén cắt bỏ đáy bầu 1 lớp khoảng 1-2 cm; cắt bỏ phần rễ cọc nhú ra khỏi bầu, hoặc bị xoắn trong đáy bầu. Sau đó, đặt bầu xuống hố, mắt ghép quay về hướng gió chính, mí dưới mắt ghép ngang với mặt đất. Dùng dao bén rọc túi bầu Pe từ phía dưới lên cuốn, cuốn lên tới đâu lấp đất tới đó, ém giữ cho bầu đất không bị vỡ. Cuối cùng cho lấp đất quanh gốc bầu phủ kín cổ rễ, nhưng không lấp mắt ghép.

Trồng cây stum trần:

Dùng cuốc móc đất lấp hố lên, có độ sâu dài hơn rễ đuôi chuột cây stump; đặt tum thẳng xuống hố, mắt ghép quay về hướng gió chính lấp hố lại từng lớp đất, lấp tới đâu dậm kỹ tới đó để đất lắp chắt gốc tum. Sau cùng lấp đất mặt cho cho đến ngang mí dưới mắt ghép, không để lồi cổ rễ lên mặt đất.


Cách trồng Cây Cao Su

Trồng dặm

Khi trồng cây được 20 ngày thì phải kiểm tra, trồng dặm lại những cây chết hoặc mắt ghép chết. Để đảm bảo vườn cây đồng đều, phải chuẩn bị 15% đối với vườn cây trồng bầu và 25 % vườn cây trồng trần trồng dặm, so với cây trồng mới.

Có thể trồng dặm bằng tum trần, bầu cắt ngọn, bầu 1-2 tầng lá hoặc Stump bầu có hai tầng lá ổn định. Trồng dặm bằng cây con đúng giống đã trồng trên vườn cây.

Chúc các chủ vườn có cách trồng Cây Cao Su tốt để cây sống khỏe và phát triển nhanh.

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

CẢM NHẬN VỀ CÂY CAO SU BÌNH PHƯỚC

Ai cũng biết được Bình Phước là Thủ Phủ về Cây Cao Su. Nhưng đó chỉ là thông tin mà bạn đọc hoặc nghe được đâu đó. Nếu một lần đặt chân đến mảnh đất Bình Phước bạn sẽ cảm nhận được nhiều hơn nữa về Cây Cao Su nơi này.

Gần đây chúng tôi đã có 4 chuyến đi đến Công ty Cây Xanh Gia Nguyễn và cùng làm việc ở những công trình khác nhau trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Hình ảnh những Rừng Cao Su bạt ngàn, nối tiếp nhau 2 bên đường làm chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.



Nông trường Cao Su Bình Phước

Đúng là “Trăm nghe không bằng một thấy”. Hãy thử đến đây một lần, bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của loại cây vàng trắng này.

Chạy dọc quốc lộ 14, đến địa phận tỉnh Bình Phước, hai bên đường có những ngôi nhà mới khang trang. Ngay phía sau nhà này chủ yếu là Rẫy Cao Su được trồng thành những hàng thẳng tắp.

Không chỉ 2 bên trục đường chính, mà vào sâu trong tuyến đường phụ cũng vậy, đâu đâu cũng thấy Cây Cao Su. Nhìn những Rừng Cao Su đang trong giai đoạn thu hoạch sẽ có những chén hứng Mủ Cao Su. Bên trong chứa mủ màu trắng sáng như tô thêm màu sắc cho Rừng Cao Su. Nếu bạn đi vào sáng sớm sẽ bắt gặp những cô chú công nhân cạo mủ. Cách làm việc rất chuyên nghiệp, họ nói chuyện, cười đùa nhìn rất yêu đời.



Cao Su Bình Phước nổi bật về chất lượng mủ

Cũng có những Rừng Cao Su già cỗi, cho năng suất thấp nên được phá bỏ. Thân cây sẽ được tận dụng trong các nghành công nghiệp chế biến gỗ. Nối tiếp truyền thống trồng Cây Cao Su. Những Rừng Cao Su con mọc lên thay thế những cây già cỗi. Chúng tôi đã gặp những Rừng Cao Su non trồng mới, được dùng vôi quét lên thân khoảng 2m từ gốc lên để hạn chế sâu bệnh cho cây.

Qua mỗi lần đến đây chúng tôi cảm nhận hơn được nhiều về Cây Cao Su cũng như người chăm sóc, nuôi dưỡng cây. Mặc dù hiện nay tình hình giá Mủ Cao Su có những biến chuyển không tốt. Nhưng người dân trồng Cây Cao Su vẫn yêu nghề, yêu cây, không bỏ cây mà vẫn chăm sóc nó rất tốt. Họ có một lòng tin vào giá trị của cây mang lại ở ngày mai.

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

CÁCH KHẮC PHỤC VÀ BẢO DƯỠNG CÂY CAO SU BỊ NGÃ ĐỔ

Sau khi cơn bão số 10 đi qua đã để lại rất nhiều những thiệt hại về người và tài sản cho bà con nông dân ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên, đặc biệt là 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị với diện tích hơn 10.000ha Cây Cao Su bị ngã đổ.

Những phương án khắc phục những thiệt hại do gió bão gây ra

Trồng Cây Cao su mang lại những lợi ích về kinh tế rất cao. Nhưng với những ảnh hưởng của gió bão  thì một loại cây thân giòn, có sức chịu lực không thật tốt như Cây Cao Su nên dễ bị gãy đổ. Cần có những phương án để khắc phục nhược điểm này của cây. Và chúng tôi đã tìm hiểu và đưa ra những phương án tham khảo như sau:


Các nông dân cứu lại Cây Cao Su sau bão 

Với vườn cây bị đỗ ngã cơ bản:

Tỉa bớt cành, dùng cọc cố định lại Cây Cao Su, tủ chặt gốc. Dọn sạch thân, cành, lá trong vườn cây để tránh các loại bệnh lây lan.

Với những vườn đang thu hoạch mủ:

Khoảng tuổi thứ 6 đến năm thứ 10 thì Cây Cao Su có thể cho thu hoạch mủ. Nếu cây bị gãy ít thì tiến hành cắt cành bị gãy, bôi thuốc sát trùng ở các vết cắt để tránh nấm bệnh xâm nhập làm thối thân, cành. Bôi thuốc sát trùng vào vết cạo chống lỡ loét, nhiễm nấm hồng và nhiều loại bệnh khác trên Cây Cao Su. Dùng dây kéo và cọc cố định lại thân cây. Dọn sạch thân, cành trong vườn cây. Tăng cường chăm sóc, tăng lượng phân bón để cây phục hồi nhanh.

Cây bị đỗ ngã hoàn toàn, bị trốc gốc, rễ:

Nếu không thể phục hồi nên phải thanh lý, bán gỗ. Vì thà trồng lại lứa cây mới còn hơn là để các cây sống lay lắt.

Tuy nhiên, các chủ vườn có thể kết hợp biện pháp vừa chăm sóc phục hồi vừa đốn bỏ. Vị trí gốc cây nào gãy đổ lốc gốc, gãy ngang thân nặng thì thay, vị trí đó bằng những cây giống mới. Còn những cây chỉ gãy cành phụ, hay có thể phục hồi được, thì chăm lại cho cây lên tiếp. Vì phải trồng 6 – 7 năm thì cây mới được thu hoạch.

Với những biện pháp trên có thể giúp bà con tái sinh mủ cho cây, phòng chống nhiều bệnh phát sinh sau mưa bão. Bên cạnh đó còn có những phương án lâu dài cho Cây Cao Su vùng gió bão:

Những phương án lâu dài cho cây cao su vùng gió bão

Trồng rừng vành đai cây xanh để chắn gió:

Nên có những hội thảo khoa học để đánh giá, tìm hướng đi bền vững giúp người trồng Cây Cao Su ở vùng Miền Trung nơi đây. Chọn lọc và lai Giống Cây Cao Su có thân cây chắc khỏe, có thể chống chịu được trong điều kiện gió bão. Cây có bộ rễ vững chắc để làm gốc ghép, không bị bật gốc khi có gió lốc mạnh.

Tạo tán lá cho Cây Cao Su:

Tán cân đối gồm nhiều tầng cành, tầng dưới tán rộng, càng lên cao tán nhỏ dần. Cây ít tán phải tạo tán cho cây, bằng cách bấm ngọn, cắt vòng vỏ thân cây quanh gần ngọn. Như vậy sẽ giúp Cây Cao Su phát triển can đối, không cao võng lên trời và dễ bị gãy ngang thân.



Chuẩn bị chống gió từ khi còn là Cây Cao Su Giống 

Tạo điều kiện rễ cọc phát triển:

Khi đào hố để trồng Cao Su, thay vì đào hố có độ sâu 60 cm. Ở những vùng thường xuyên bão nên đào sâu hơn nhằm tạo điều kiện cho rễ cọc phát triển để Cây Cao Su ít bị bật gốc khi có gió mạnh.

Cung cấp dinh dưỡng hợp lý:


Nên giảm lượng phân đạm so với vùng truyền thống, tăng lượng lân và kali. Việc tăng lượng kali không chỉ giúp cây chắc khỏe mà còn tăng sức đề kháng trước các loại bệnh.

Tích cực phòng trị bệnh:

Thường xuyên kiểm tra phát hiện sớm, nhất là mối phá hoại thân và rễ. Như vây mới tạo được thân cây và bộ Rễ Cao Su chắc khỏe cho việc chống chọi với gió bão.

VÌ SAO CÂY CAO SU LÀ CÂY XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO?

Có thể nói Cây Cao Su là cây xóa đói giảm nghèo bởi vì:

Khi Cây Cao Su mới chỉ là cây giống trong vườn ươm nó cũng đã cần những bàn tay khéo léo, cẩn thận chăm sóc cây từ lúc mới nãy mầm đến khi xuất bán. Rồi trước đó có những khâu làm đất, tưới nước, bón phân, diệt cỏ, quá trình ghép cành… Có rất nhiều công việc đã giúp tạo công ăn việc làm cho người lao động.


Bốc Cây Cao Su Giống lên xe vận chuyển đi trồng 

Những công đoạn trồng Cây Cao Su ra rừng, làm cỏ dưới chân cây, theo dõi sự phát triển, tình hình sâu bệnh… trong từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây luôn có bàn tay chăm sóc của người lao động đồng hành.

Khi đến giai đoạn thu hoạch, những công nhân cạo Mủ Cao Su là người đóng vai trò quan trọng. Trong suốt thời gian dài thu hoạch, họ là người luôn song hành với quá trình tạo mủ, chăm sóc để đem đến giá trị cho người chủ cũng như chính họ.

Người ta hay nói vui, một người đi mót lại Mủ Cao Su một ngày cũng có thể kiếm được một số tiền đủ để có một bữa cơm ngon cho cả gia đình, thậm chí một em nhỏ cũng có thể làm ra được giá trị đó. Nói vui nhưng thật sự là như vậy, với khoảng trung bình 15nghìn đồng/1kg như hiện nay, mà một người có thể mót đến 5kg hoặc hơn nữa thì cũng đã đủ một ngày công của một người lao động bình thường rồi.


Công nhân cạo Mủ Cao Su 

Và một thực tế nữa, Giá Cao Su cao nên bù lại tiền công của người lao động cũng được trả xứng đáng với mức cao, giúp ổn định cuộc sống.

Tất cả các giai đoạn sinh trưởng phát triển của Cây Cao Su từ lúc là một hạt giống đến cuối thời kỳ thu hoạch trãi qua khoảng từ 25-30 năm luôn đồng hành với những bàn tay chăm sóc của người nông dân. Như vậy nó đã tạo công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo cho rất nhiều người lao động.

MUỐN LÀM GIÀU LÊN RỪNG TRỒNG CAO SU

Những câu nói cho ai đến từ cái nơi mà trước đây người ta hay gọi là “Khỉ ho cò gáy” nay được thay bằng cái tên mới hoàn toàn có sự cách biệt “Đại gia phố núi”. Đơn giản là vì từ những người nông dân nghèo chỉ biết bám vào lá cây rừng, ruộng bậc thang nghèo để sống thì giờ đây cũng chính núi rừng đã ban tặng cho họ những giá trị cao gấp ngàn lần.

Cuộc sống của họ đầy đủ và trở nên tân tiến hơn nhiều nhờ vào cây rừng, đất rừng, khí hậu của núi rừng và những đôi bàn tay cần cù, giỏi giang của con người. Có thể nói có rất nhiều người làm giàu từ những giá trị của núi rừng đem lại.


Giai đoạn ươm giống – Bước đầu cho quá trình phát triển Cây Cao Su 

Trước đây người dân cũng có đầu tư vào Cây Cà Phê, Tiêu, Điều…cũng cho năng suất cao và giá cũng cao. Có nhiều người giàu lên từ những loại Cây Công Nghiệp này.

Cho đến những năm trở lại đây, giá cả bấp bênh, giảm nhiều nên nhiều người nản chí. Và cũng đúng lúc Cây Cao Su được đầu tư mạnh, là một loại cây dễ sống, dễ chăm sóc, lại cho năng suất cao, thời điểm này giá Mủ Cao Su cũng rất cao nên có nhiều người đã chuyển sang đầu tư vào nó và bây giờ nó trở thành nguồn thu nhập chính.

Ban đầu Cây Cao Su được trồng chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ, dần mở rộng ra nhiều tỉnh thành trong cả nước từ Nam ra ngoài Bắc, vùng Tây Nguyên cũng được đầu tư mạnh. Là một loại cây rất ưa thích với điều kiện tự nhiên và khí hậu nước ta nên việc chăm sóc và phát triển cũng tương đối dễ dàng, ổn định.

Hiện nay Cây Cao Su được biết đến như một loại Cây Công Nghiệp thiết yếu, trọng tâm ở nhiều vùng kinh tế trọng điểm của nước ta. Trước đây đất rừng được trồng những loại Cây Lâm Nghiệp có giá trị thấp, giờ đầu tư vào Cây Cao Su, cây dễ sống vừa dễ làm, vừa cho năng suất cao. Biết tận dụng những ưu điểm của Cây Cao Su để tạo ra giá trị cao, trồng ở những vùng thích hợp.


Vườn ươm Cây Cao Su Giống Công ty Cây Xanh Gia Nguyễn tại Bình Phước

phát triển rất tươi tốt 

Người ta nói rằng người miền núi nghèo, lạc hậu. Nhưng nhờ làm giàu từ lâm nghiệp mà ngày nay chủ yếu là Cây Cao Su đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mọi người. Những vùng đất núi như Bình Phước, Gia Lai… “Đại gia phố núi” lên đời rất nhiều. Cuộc sống của họ ổn định và phát triển nhanh không kém gì người đồng bằng, thành phố.

“Bình Phước là sứ sở của Đại gia Cao Su” vì có rất nhiều người giàu lên từ Cây Cao Su. Lần lên thăm chơi nhà vườn chú Quang, chúng tôi được chú giới thiệu em trai chú là Công Minh, ở đất Bình Phước này nhắc đến Công Minh thì ai cũng biết, nhưng có ai biết được rằng cách đây khoảng 15 năm anh Công Minh cũng là một người lao động nghèo từ Hà Tĩnh bỏ xứ vào Nam lập nghiệp với 2 bàn tay trắng. Ban đầu làm công ăn lương, rồi đam mê với công việc chăm sóc trồng cây, anh đã chắc chiêu giành dụm dần dần mua được miếng đất nhỏ, rồi mua thêm miếng đất to hơn để trồng Cây Cao Su, đến giờ Công Minh là 1 đại gia của Bình Phước với 800ha Cây Cao Su. Quả thật là rất đáng nể .

Thật thuyết phục để có thể khẳng định rằng “Cao Su là cây xóa đói giảm nghèo”

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

VÌ SAO TRƯỚC KHI TRỒNG CÂY CAO SU, PHẢI CƯA LẤY GỐC ?

Stump Trần là hình thức ươm cây giống hiện nay đang được ứng dụng rộng rãi.

Vườn cây giống công ty chúng tôi hiện tại cũng dùng phương pháp này. Có lẽ những người nông dân chuyên trồng Cây Cao Su thì đã quá quen thuộc , còn những bạn chưa biết gì về Cây Cao Su nhưng có nhu cầu tìm hiểu, quan tâm đến nó, hôm nay hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một số kinh nghiệm của những con người đi trước.

Ươm giống theo phương pháp Stump Trần là gieo hạt giống trực tiếp lên đất vườn mà không ươm trong bầu. Hiện tại nó có khá nhiều ưu điểm so với các hình thức khác, vốn đầu tư ban đầu thấp, dễ chăm sóc, trồng đồng loạt với số lượng cây nhiều hơn trên một khoảng diện tích.



Stump Trần là hình thức ươm cây giống hiện

Cách thức tiến hành ghép cành:

Cây Giống Cao Su sau thời gian gieo trồng khoảng từ 4 – 6 tháng, khi đường kính thân cây khoảng 1cm và tầng lá trên cùng ổn định thì sẽ được tiến hành ghép cành. Quá trình ghép cành là một công đoạn tỉ mỉ, cẩn thận, khéo léo vì nó quyết định sự phát triển của cây.

Sau khi ghép khoảng 15- 20 ngày tháo mở băng và kiểm tra, nếu mắt ghép màu xanh thì cây sống, có thể bứng nhổ đem bán.

Cây Cao Su khi đem bán sẽ được nhổ lên nguyên cây, sau đó tiến hành cưa lấy gốc cắt bỏ phần ngọn cách mắt ghép khoảng 5-7cm và dùng dây ni lông bọc kín vết cắt để nước không thấm vào hoặc bôi Vaseline hoặc nhúng vào sáp nung chảy


Vì sao trước khi trồng Cây Cao Su, phải cưa lấy gốc

Vì cây mới nhổ khỏi mặt đất, nguồn dinh dưỡng tạm thời chỉ còn trong thân, nếu để lá thì cây sẽ không giữ được nước, quá trình hồi phục phát triển chậm, hoặc để lâu cây dễ bị chết. Ngoài ra sau khi đưa đi trồng, cây tiếp xúc với môi trường đất mới phải cần một thời gian thích nghi, cây cần nhiều chất dinh dưỡng, nước nên việc cắt bỏ bớt phần thân trên là cần thiết . Bên cạnh đó việc cây được cưa gốc cũng sẽ giúp cho việc vận chuyển cây đi trồng dễ dàng hơn.

Ngoài yếu tố đảm bảo dinh dưỡng, cách chăm sóc cho cây thì việc chọn giống cho phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai cũng khá quan trọng. Hiện tại có nhiều loại giống khác nhau để chọn lựa tùy theo điều kiện,Công ty Gia Nguyễn đang làm giống PB 260 cho lượng mủ cao và năng suất ổn định.